Mỗi năm Việt Nam có 5000 vụ tai nạn lao động

Hơn 70% TNLĐ là do người lao động và người sử dụng lao động Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động.

Hơn 70% TNLĐ là do người lao động và người sử dụng lao động Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động.

Đó là lời phát biểu của Cục trưởng Cục An toàn Lao động Đoàn Minh Hòa trong cuộc hội thảo “Tuyên bố Seoul về an toàn lao động và sức khỏe lao động”. Hội thảo diễn ra sáng 21/11 tại Hà Nội do Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam tổ chức.Đến dự có đại diện gồm các lãnh đạo Viện Nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động, Cục an toàn lao động - Bộ LĐTBXH, Phòng TMCN VN, Công ty Cổ phần Bảo hộ lao động Việt Nam, Ban bảo hộ lao động - Tổng Hội thảo LĐLĐ VN và đông đảo các nhà khoa học- giới chuyên môn.

Tuyên bố Seoul là tuyên bố đầu tiên về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được công bố tại phiên khai mạc Đại hội thế giới lần thứ 18 về An toàn- Sức khỏe trong lao động diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Tuyên bố này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển công tác ATVSLĐ của mỗi nước, trong đó có Việt Nam.

Hội thảo giới thiệu những nội dung chính của Tuyên bố Seoul về an toàn và sức khỏe trong lao động, đồng thời thảo luận về vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, của người sử dụng lao động cũng như của người lao động và các tổ chức công đòan trong việc hưởng ứng và thực hiện Tuyên bố này.

Với chủ đề của Tuyên bố Seoul “An toàn và sức khỏe trong lao động- trách nhiệm của toàn xã hội”, các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng việc đảm bảo an toàn trong lao động đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các bên: người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan nhà nước.

Bà Đoàn Minh Hòa cho biết: “Mỗi năm có khoảng 5.000 vụ tai nạn lao động xảy ra, 2.000 người mắc bệnh nghề nghiệp hàng năm, khoảng 500 người chết trong ngành Công nghiệp. Tuy nhiên đây chỉ là con số thống kê, còn trong thực tế có lẽ con số này còn lớn hơn gấp hàng chục lần”. 

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn trong lao động, bệnh nghề nghiệp gia tăng nhanh chóng chủ yếu là xuất phát từ nhận thức của người dân: có khoảng 30% số vụ tai nạn lao động xảy ra là do sự thiếu hiểu biết của người lao động, hơn 33% là do người sử dụng lao động không thực hiện tốt quy trình Bảo hộ lao động.

Hiện nay, người lao động Việt Nam vẫn chưa ý thức về quyền được hưởng điều kiện làm việc đảm bảo an toàn. Họ chủ yếu là những người lao động nghèo vì miếng cơm, vì kế sinh nhai mà có khi biết mức độ an toàn trong công việc là thấp nhưng vẫn phải chấp nhận làm.

Ảnh minh họa

Tình hình thực hiện An toàn vệ sinh lao động ở các thành phần kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện rất yếu, điều đáng lo ngại là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức độ mất an toàn trong lao động song hành với trình độ quản lý, quy mô sản xuất của loại hình doanh nghiệp này.

 

Không chỉ do ý thức của người lao động và chủ sử dụng còn kém mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không quan tâm tới công tác an toàn lao động: Từ tháng 10/2006, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động đến năm 2010 với mục tiêu giảm 5% tần suất tai nạn mỗi năm. Nhưng đến tháng 1/2008 vẫn còn 11 tỉnh thành chưa xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2008 để trình UBND phê duyệt.

Theo bà Đoàn Minh Hòa, để tăng cường an toàn vệ sinh lao động các cơ quan chức năng cần phải đưa ra hệ thống chính sách phù hợp với thực tế, xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế, thúc đẩy văn hóa an toàn lao động; Thúc đẩy phòng ngừa tai nạn lao động bằng các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ công tác huấn luyện an toàn cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Tin tức & Sự kiện khác