Tai nạn thương tâm vì không ai quản lý!
Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm thân thể, không bảo hộ lao động, không kĩ năng cơ bản về vệ sinh an toàn lao động, nhưng vì miếng cơm manh áo, những người lao động tự do vẫn chấp nhận những công việc nặng nhọc, được trả công theo giờ, dù biết trước mọi hiểm nguy có thể xảy ra. Một công việc tốt, một bản hợp đồng lao động mang tính ràng buộc với người sử dụng lao động dường như là thứ quá xa xỉ với những người không có trình độ bằng cấp, chuyên môn như họ.
Hình ảnh: Chênh vênh trên những tòa nhà cao tầng.
Mưu sinh bằng nghề nguy hiểm
Hà Nội là thành phố có sức thu hút lớn nhất các đối tượng lao động đến từ các địa phương khác nhau đến làm việc, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Người lao động có thể dễ dàng tìm thấy những công việc không đòi hỏi trình độ, bằng cấp chuyên môn mà vẫn có thu nhập cho gia đình, như lĩnh vực xây dựng, phục vụ nhà hàng, bán hàng, xe ôm, giúp việc, cắt tóc, gội đầu, bốc vác… Nhưng cũng chính vì công việc không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn, nên những người lao động tự do cũng không hề có một biên bản thỏa thuận, hay kí kết hợp đồng lao động nào với người chủ. Tất cả đều hợp đồng "miệng" dựa vào ngày công, tính chất công việc, giờ lao động… nên khi những tai nạn thương tâm xảy ra, người chịu thiệt thòi chính là họ.
Chị Hà, quê Thanh Hóa làm phụ hồ cho một công trình nhà ở khu Hoàng Mai cho biết: "Cả hai vợ chồng tôi ra đây làm thuê ba bốn năm nay rồi. Ban ngày chúng tôi phải ra sức đập, phá tường nhà cũ. Ban đêm thì lại tranh thủ xúc, dọn khối bê tông đưa lên xe ôtô để chở đi đổ ngoài ngoại thành. Công việc vất vả và nguy hiểm lắm, có trường hợp công nhân chưa chạy ra thoát kịp thì cả khung nhà đã đổ ụp xuống. Người nào may mắn sống sót thì cũng thương tật suốt đời. Chủ họ cũng chẳng đền bù nhiều, bởi có hợp đồng lao động gì đâu, tính hết vào tiền công cả rồi. Nhưng vì miếng cơm manh áo cứ phải làm chứ biết sao".
Anh Hưng, quê Vĩnh Phúc, công nhân lau kính thuê chia sẻ: "Trước đây tôi hay nhận công việc lau cửa kính ở các tòa nhà cao tầng. Lương cũng khá cao, nhưng mà nguy hiểm. Có lần đu người trên cao, gió thổi mạnh làm tôi đập đầu vào cửa kính, máu chảy bê bết, phải nằm điều trị mất mấy ngày trong viện".
Làm việc trên cao không bảo hộ lao động, thợ xây dựng gặp rất nhiều rủi ro.
Gắn bó với công việc thợ xây bao năm nay, anh Năng, quê Hoài Đức, Hà Nội, cho hay: "Làm ruộng chỉ đủ gạo ăn nên lúc cấy, gặt xong, vợ chồng tôi thường đi làm thuê ở các công trình xây dựng để kiếm thêm thu nhập. Hai cháu đều đang tuổi ăn tuổi học, bố mẹ già cả, nếu không đi làm thêm thì không biết lấy gì mà sống. Biết là thiếu thốn đủ bề, nguy hiểm rình rập nhưng vẫn phải cố thôi".
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hàng nghìn lao động làm nghề xây dựng. Công việc tuy nhọc nhằn, nơi ăn chốn ở tạm bợ nhưng bù lại họ có thu nhập khá. Những thợ thạo việc, chăm chỉ luôn được các cai thầu săn đón, trả tiền công từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Người làm công đoạn đơn giản, không đòi hỏi trình độ tay nghề cao cũng có thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày. Nhiều gia đình cả bố mẹ, con cái đều theo nghề phụ hồ, thợ xây… nên chẳng mấy chốc mà có của ăn của để trong nhà. Không ai muốn từ bỏ dù biết công việc vô cùng nặng nhọc và nhiều tai nạn lao động xảy ra.
Những tai nạn thương tâm vì không ai quản lý!
Việc thiếu kỹ năng làm việc và thiếu bảo hộ lao động trong những công việc xây dựng nguy hiểm là nguyên nhân đầu tiên khiến những tai nạn thương tâm xảy ra.
Kể về những tai nạn mà cánh thợ xây, phụ hồ gặp phải, chị Là, quê Bắc Giang không khỏi xót xa: "Có anh bị điện giật nên ngã từ tầng cao xuống đất bị gãy xương sống, mất khả năng lao động. Có anh thanh niên bị sập giàn giáo rơi xuống đất bị chấn thương sọ não. Ai từng làm cái nghề này mà chẳng ít nhất một lần bị tai nạn".
Anh Hòa, quê Hưng Yên cũng từng làm thợ xây ở Hà Nội cho biết: "Tôi mới nghỉ đi xây vài năm nay do một lần trèo lên giàn giáo trượt chân, bị ngã gãy tay phải. Giờ thành tật, không thể leo trèo đi xây được nữa, tôi xin đi làm bảo vệ cho một khu tập thể ở Láng Hạ. Cũng chẳng có hợp đồng lao động gì cả, mấy anh em tự đứng ra nhận thầu trông xe và bảo vệ cho khu thôi. Tiền lương đều dựa vào tiền trông xe, nhưng dù sao cũng an toàn hơn là đi phụ hồ". Nhưng không phải ai cũng may mắn thoát khỏi án tử và tìm được công việc nhàn hạ như anh Hòa.
Mới đây nhất, vụ cháy kinh hoàng xảy ra ở số 9 Trần Thánh Tông ngày 19/11 làm 6 người thiệt mạng, trong đó có 5 người trú ở Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội đều là lao động tự do và anh em, họ hàng trong một gia đình. Nguyên nhân đã được các cơ quan chức năng làm rõ là thợ hàn sơ ý khi thi công, để vẩy hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy như bông, đệm cách âm khiến ngọn lửa bùng phát. Kết cấu của căn nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không có thiết bị thông gió nên đám cháy tạo ra nhiều khói độc. Những nạn nhân không nắm rõ địa hình ngôi nhà, lại thiếu những kỹ năng cần thiết vượt qua đám khói độc nên đã tử vong do ngạt khói.
Trước đó, đã có hàng loạt vụ tai nạn lao động xảy ra đối với lao động tự do như: ngày 18/5/2013, 3 thợ cơ khí đang sửa chữa thang máy trên tầng 18, tòa nhà CT10, thuộc Khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), bất ngờ thang máy rơi khiến cả 3 tử vong tại chỗ. Ngày 7/11, tại công trình xây dựng tòa nhà Văn phòng phẩm Hồng Hà (Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm) khi một nhóm lao động đang làm việc bên ngoài thì bị một tảng vật liệu xây dựng từ trên tầng cao tòa nhà rơi trúng, khiến 3 người bị thương nặng.
Nhà nước đã ban hành quy định chi tiết về các tiêu chuẩn, công cụ bảo đảm an toàn trong xây dựng nhưng một bộ phận nhà thầu, cai thầu không tự giác chấp hành vì "ngại" tốn chi phí mua phương tiện. Tại nhiều công trình nhà ở dân cư cao tầng không có lưới bảo vệ, không có đai an toàn cho người thi công. Giàn giáo mỗi nơi mỗi kiểu, tùy thuộc vào ý thức của cai thầu. Về phía người thợ, do làm nghề tự do, chưa được trang bị kiến thức cần thiết về an toàn lao động nên một số lao động còn chủ quan, không có ý kiến khi chủ đầu tư, nhà thầu lắp dựng giàn giáo không chắc chắn hoặc thiếu trang bị bảo hộ khiến cho tình trạng tai nạn lao động gia tăng đặc biệt nghiêm trọng.
Số lượng lao động tự do làm việc tại Hà Nội rất lớn, nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc về việc quản lý và sử dụng. Mọi sự ràng buộc giữa lao động và người sử dụng lao động chỉ phụ thuộc vào những bản hợp đồng "miệng" nên khi tai nạn xảy ra, người lao động tự do vẫn chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Thiết nghĩ, bên cạnh bộ phận lao động trí óc thì bộ phận lao động chân tay cũng rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, việc thừa nhận chính thức loại hình lao động tự do với những chính sách liên quan đến quyền lợi của họ như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thân thể… là điều cần thiết góp phần phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 16 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm 23 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên nhân chính của tai nạn lao động thường xuất phát từ sự chủ quan của cả người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không trang bị bảo hộ lao động cho người lao động, về phía người lao động, ý thức chấp hành nội quy an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế. Ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện Sở LĐ-TB&XH chưa thể thống kê hết số lao động tự do đang có mặt tại Thủ đô. Thậm chí, thành phố cũng chưa có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo và huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho nhóm đối tượng này.
Cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động, tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về BHYT, BHXH…, còn lại là nông dân, lao động làng nghề... Đặc biệt, trong số này có 23,5% lao động (tương đương 10,9 triệu người) làm việc trong khu vực không chính thức là lao động tự do như: thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, giúp việc gia đình... Trong đó, lao động tự làm 15%, lao động làm thuê 5,7%, lao động gia đình không hưởng lương 1,9%.
Cửa hàng dụng cụ bảo hộ lao động Tân Trang trân trọng kính chào và hân hạnh phục vụ
- ĐC: 171/25A Ngô Mây, Quy Nhơn, Bình Định
- DĐ: 0967.455.777
- DĐ: 090.4242.768
- DĐ: 0974.116669
- DĐ: 0903.540.386
- Website: http://baoholaodongbinhdinh.com
- Fanpage: https://www.facebook.com/baoholaodongbinhdinh
- Email: minhtanct2003@gmail.com; hanhtrang853@gmail.com
Tin tức & Sự kiện khác
- Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 5 vụ sập mỏ đá kinh hoàng ở Thanh Hóa
- 9 lợi ích khi sử dụng quần áo bảo hộ lao động
- Mục đích và ý nghĩa của việc sử dụng bảo hộ lao động.
- Khái niệm Bảo hộ lao động
- Bảo hộ lao động giày cổ cao
- Cá sấu khổng lồ nặng gần nữa tấn lập kỷ lục thế giới mới
- Quyền của người lao động khi bị tai nạn lao động
Tin tức & Sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Giám Đốc
0967.455.777
-
Điện thoại Công ty
02563.663.777
-
Phụ trách kinh doanh
0903.540.386
-
Tư vấn bán hàng
0917.344.484
-
Bộ phận giao dịch
0906.470.479
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 5
- Trong ngày: 11
- Hôm qua: 80
- Tổng truy cập: 850199
- Truy cập nhiều nhất: 1787
- Ngày nhiều nhất: 30.09.2022